Nhịp sống đương đại diễn ra rất gấp gáp. Mọi người lúc nào cũng muốn nhanh chóng hoàn thành công việc, cảm giác như nếu chậm một giây thôi là sẽ thua cả một đời. Nhưng ít ai nhớ rằng, dục tốc thì bất đạt.
Trong cuộc sống hiện tại, ai ai cũng vội vã. Ăn uống phải nhanh, nếu không sẽ đi làm muộn. Các cuộc gặp gỡ cũng nên kết thúc nhanh chóng để có thể tiếp tục về tăng ca. Đến cả việc đi du lịch cũng gấp gáp, đi đâu cũng chỉ cưỡi ngựa xem hoa.
Tất nhiên, trong thời đại hiện nay, tốc độ là một yếu tố vô cùng quan trọng trên con đường dẫn tới thành công. Tuy nhiên, nếu cái gì cũng nhanh chóng gấp gáp, chúng ta sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Điều đó sẽ khiến chúng ta lúc nào cũng cảm thấy bề bộn, thậm chí còn dẫn đến những phán đoán và quyết định sai lầm.
Khổng Tử đã từng nói: Không ham nhanh, không ham lợi nhỏ. Làm nhanh dễ hư chuyện; ham lợi nhỏ thì không làm nên được chuyện lớn. Không thể mù quáng theo đuổi tốc độ, không thể chỉ vì cái lợi trước mắt. Tích lũy dần dần thì sẽ có phú quý lâu bền. Tích lũy là điều kiện đầu tiên của thành công. Muốn tích lũy, tốt nhất là nên chậm và chắc.
Dục tốc bất đạt
Tử Hạ là một học trò của Khổng Tử, ông giữ một chức quan tại địa phương. Ông rất phiền muộn vì công việc của mình tiến triển rất chậm chạp, chính vì vậy, ông liền đi bái kiến Khổng Tử, hi vọng có thể tìm được sự giúp đỡ nào đó từ thầy mình. Sau khi nghe Tử Hạ kể, Khổng Tử nói rằng: Ngươi đã lựa chọn con đường làm quan thì nên kiên nhẫn một chút, phải biết nhìn xa trông rộng, vững bước cầu tiến, không thể chỉ vì cái lợi nhỏ trước mắt mà vội vàng hành sự, nếu vội vàng không những không thể đi xa mà thậm chí còn mất hết những thành quả hiện tại.
Tử Hạ sau khi nghe xong lời dạy bảo liền bừng tỉnh. Ông quay về làm việc cần cù chăm chỉ, không còn nóng lòng muốn đạt được thành quả. Một thời gian sau quả thật đã làm nên đại sự.
Hầu hết những người muốn “nhanh” đều không có kế hoạch ổn định lâu dài. Họ cũng thiếu lòng kiên trì để đạt được mục tiêu. Nếu bạn muốn có được sự thịnh vượng lâu dài, bạn phải hiểu được rằng: “Dục tốc thì bất đạt”.
Vội vàng quyết định thì dễ phạm sai lầm
Đời Minh có một viên quan chuyên lo việc xử án ở địa phương. Tác phong làm việc của ông này vô cùng đặc biệt, mỗi lần có người đến đây tố tụng, sau khi tìm hiểu nội tình vụ án, nếu như cảm thấy không khẩn cấp, ông liền bảo những người đến thưa kiện rằng ngày mai hãy đến.
Dần dần, ai ai trong vùng cũng đều chế nhạo ông, cho rằng ông lười biếng, không chú tâm vào công việc. Trên thực tế, họ không biết rằng những người đến kiện chỉ vì họ tức giận nhất thời, sau một đêm, họ sẽ suy nghĩ lại và rất có thể sẽ rút lại hành động của mình. “Đến ngày mai mới xử” thật ra là cho những người đến kiện một khoảng thời gian để suy nghĩ lại và cũng cho chính viên quan thời gian để bình tâm suy nghĩ vụ việc cho thấu đáo, tránh những trường hợp oan sai. Nếu thật sự thận trọng, không vội vàng, ta sẽ tránh được những sai lầm không đáng có.
Dục tốc bất đạt, muốn đưa ra quyết định một cách đúng đắn, đầu tiên phải tịnh tâm, sau đó bình tĩnh suy xét, từ đó mới có thể quyết định một cách khôn ngoan.
Có nhìn xa thì mới thấy được nhiều điều hay
Trong lịch sử, có rất nhiều kẻ nóng lòng tìm kiếm thành công, nhưng cũng có người mưu tính sâu xa, lấy chậm mà chắc để thắng người.
Gia Cát Lượng ẩn cư ở Long Trung, không phải vì không muốn làm đại sự. Ngược lại, vì tham vọng lớn nên phải ẩn mình để chờ thời, để tìm được người xứng đáng cho mình phò tá làm nên đại nghiệp.
Khi Lưu Bị đến mời, Gia Cát Lượng ba lần từ chối để khảo nghiệm xem Lưu Bị kiên nhẫn và kính trọng người tài được đến đâu. Chậm, là một loại trí tuệ, lấy tĩnh chế động, mới là trí giả.
Cuộc sống hiện đại rất phức tạp và xô bồ. Mỗi ngày đều có rất nhiều sự kiện ập đến với ta, gây trở ngại cho ta. Chỉ cần chúng ta ổn định lại tinh thần, lấy tĩnh tâm làm gốc, sẽ có thể xác định được chính xác tình huống, đưa ra được những quyết định chính xác, tốn công ít mà thu hoạch được nhiều.
Lê Dương Theo Trí thức trẻ/Sound of hope